Bí quyết chiến dịch marketing hiệu quả của ZARA
Bí quyết chiến dịch marketing hiệu quả của ZARA
Ngày 8/9/2016 vừa qua, cả thế giới bất ngờ khi mà tỷ phú ngành bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, nhà sáng lập thương hiệu Zara đã vượt qua “ông trùm” công nghệ người Mỹ Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới trong xếp hạng của Forbes. Sự kiện này đã đặt ra câu hỏi “Tại sao và bằng cách nào mà Zara có sức lan tỏa lớn đến như vậy?”
Đôi nét về thương hiệu thời trang Zara
Zara là thương hiệu thời trang, phụ kiện và hệ thống bán lẻ đến từ Tây Ban Nha, có trụ sở đặt tại Arteixo, Galicia. Zara được thành lập năm 1975 bởi 2 nhà sáng lập Amancio Ortega và Rosalía Mera. Đây cũng là chuỗi cửa hàng bán lẻ thuộc tập đoàn Inditex – tập đoàn bán lẻ hàng thời trang lớn nhất thế giới.
Zara, đã và đang, là thương hiệu thời trang bình dân được yêu thích nhất. Với hơn 2.000 cửa hàng tại hơn 90 quốc gia và doanh thu lên đến cả tỷ euro trên toàn cầu, thậm chí, nhà kho của Zara còn lớn gấp 9 lần nhà kho của Amazon (website bán lẻ hàng hóa lớn nhất thế giới.
Sự thành công của Zara là sự kết hợp hài hòa giữa chiến lược thiết kế và chiến lược quảng cáo phù hợp. Hay nói cách khác Zara có giải pháp sáng tạo đối với cả vấn đề phong cách thời trang và marketing sản phẩm
Về mặt thiết kế
Zara đã tự đặt ra cho mình các quy tắc của sự thành công. Họ không theo một quy chuẩn hay nguyên tắc của các thương hiệu thời trang lớn như Gucci, GAP, H&M mà họ đi theo một đường hướng riêng, bất chấp mọi rào cản trên con đường thành công của mình.
Quy tắc 1: Thời gian ngắn, bắt kịp mốt và tạo ra mốt
Phải nói là Zara có tốc độ bắt nhịp cùng với tốc độ thay đổi mẫu nhanh đến chóng mặt. Zara tuyên bố chỉ mất hai tuần để phát triển sản phẩm mới và đưa ra thị trường, trong khi các nhãn hàng khác cần trung bình là sáu tháng.
Khả năng biến hóa tài tình những thiết kế trên sàn catwalk thành những trang phục đời thường chính là bí quyết đầu tiên của Zara. Chỉ ngay sau tuần lễ thời trang một thời gian ngắn, người ta dễ dàng thấy những phiên bản thực tế hóa của những chiếc váy Christian Dior, Prada có giá hàng ngàn đôla trong các cửa hàng của Zara với giá dưới 100 đô. Các style thịnh hành rõ ràng không phải là sáng tạo của những nhà thiết kế Zara nhưng do độ phủ sóng quá lớn mà nó được coi như là con đẻ của Zara.
Quy tắc 2: Số lượng hạn chế, kích thích sự thèm khát
Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu săn hàng độc của người tiêu dùng, Zara đã giảm thiểu số lượng sản xuất cho mỗi kiểu dáng, Zara không chỉ khiến sản phẩm khó bị lộ ra ngoài mà còn tạo được khan hiếm.
Quy tắc 3: Kiểu dáng nhiều, kích thích lựa chọn nhiều
Thay vì sản xuất nhiều hàng cho cùng một mẫu mã, Zara tập trung vào sáng tạo nhiều kiểu dáng và giảm thiểu số lượng. Nhờ đó, ngay cả khi mẫu này hết hàng nhanh chóng thì vẫn còn đầy mẫu khác đang được chờ để tung ra.
Về mặt quảng cáo
Zara không chi xu nào cho quảng cáo và tập đoàn này không có ngân sách cho quảng cáo. Hầu như, họ chỉ dốc túi vào việc xây dựng thật nhiều cửa hàng.
Zara không ngại chi tiền để mua các mặt bằng đứng cạnh các thương hiệu xa xỉ để trở thành “mặt hàng xa xỉ nhưng giá mềm”. Cùng sản phẩm tương tự như các thương hiệu thời trang đắt tiền, người mua có thể chọn Zara ngay bên cạnh với giá rẻ hơn nhiều.
Masoud Golsorkhi, biên tập viên của Tank, tạp chí London về văn hóa và thời trang kiêm tư vấn viên cho các thương hiệu thời trang đã đánh giá rằng: Chiến lược của các thương hiệu xa xỉ là cố gắng bỏ xa các thương hiệu như Zara. Còn chiến lược của Zara là càng gần họ càng tốt
Bí quyết chiến dịch marketing hiệu quả của ZARA được đánh giá là một chiến lược đột phá bởi tính hữu hiệu và khác biệt của nó đối với các thương hiệu khác. Chiến lược mở rộng thị trường chú trọng vào tốc độ, sử dụng những kế hoạch ngắn hạn để tận dụng các xu hướng nhất thời và các cơ hội bất chợt là yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của Zara. Qua đó có thể thấy rằng, chiến lược marketing truyền thống đã lỗi thời, tất cả các thương hiệu đều cần một sự sáng tạo đột phá.
Xem thêm: Xây dựng thương hiệu, quy trình xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu